Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Hội ngộ Trường Sa


 Trường Sa luôn ở trong tim những người lính hằng gắn bó với nơi này. Bây giờ, từ khắp các nẻo mưu sinh, những người lính Trường Sa năm nào tề tựu về đây, xúc động, tự hào...
Nha Trang. Đêm cuối Giêng, nhằm ngày dương lịch 24-2. Biển dịu dàng mơn man bờ bãi. Ngoài kia, phía phên dậu Trường Sa, muôn vàn đốm sáng thuyền ghe lấp lánh.
Đêm nay, Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Khánh Hòa mời gần 600 đồng chí cán bộ, chiến sĩ từng công tác và chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa qua các thời kỳ về dự buổi họp mặt, giao lưu nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2017) và tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong quá trình công tác, chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đại tá Lê Xuân Bạ, nguyên Phó Lữ đoàn trưởng chính trị Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Khánh Hòa, người hằng gắn bó với Cam Ranh, với Trường Sa từ năm 1975, cho biết, hiện có 671 hội viên đang sinh hoạt ở bốn ban liên lạc và 25 hội cơ sở. Do điều kiện sinh sống, công việc, lúc đầu, việc kết nối anh em là rất khó khăn. Nhờ tâm huyết, nhiệt tình của anh em, nhờ sự động viên, giúp đỡ của tỉnh, các ban liên lạc, các hội cơ sở đã từng bước thể hiện được vai trò là nơi tập hợp của anh em.
Dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.
Lữ quán Thiên Phước, từ nhiều năm nay, đã là địa chỉ thân thuộc của những cựu chiến binh Trường Sa qua nhiều thời kỳ. Từ khắp các nẻo mưu sinh trên mọi miền Tổ quốc, những người lính Trường Sa năm nào tề tựu về đây. Tay trong tay mà vui buổi trùng phùng. Mắt trong mắt cho vợi đi nỗi nhớ. Đồng đội đây rồi! Chiến hữu đây rồi! Đây đó nghe rộn ràng lời hỏi thăm ân cần về tình hình sức khỏe, gia đình, công việc... Gió lạnh. Nhưng nghe không gian thật ấm.
Thương binh Nguyễn Văn Dũng, chủ nhân Lữ quán Thiên Phước, tất tả ngược xuôi công tác tổ chức vẫn không giấu được niềm xúc động lẫn tự hào. Tháng 2-1987, anh Nguyễn Văn Dũng lên đường ra phục vụ xây dựng, chiến đấu tại quần đảo Trường Sa. Anh bị thương khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Nam Yết. Rời quân ngũ, trở về đất liền, hành trang Nguyễn Văn Dũng mang theo là một chiếc ba-lô đong đầy ký ức về những khó khăn, gian khổ, thậm chí cả mất mát, hy sinh cũng như niềm tự hào khôn xiết về người lính Trường Sa.
Bận rộn trăm việc, lo mua bán, kinh doanh, nhưng anh Nguyễn Văn Dũng không nguôi nhớ về những đồng đội cũ. Anh tìm cách liên lạc rồi tham gia tổ chức kết nối anh em; tìm cách giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Biết con em của đồng chí, đồng đội chưa có việc làm, anh Dũng nhận các cháu vào nhà hàng làm việc, với thu nhập ổn định. Cho nên, ở Lữ quán Thiên Phước có đội ngũ phục vụ toàn "tay ngang", không có nghiệp vụ là vậy. Khách phương xa tới, lúc đầu thấy cách phục vụ như vậy tỏ vẻ khó chịu, nhưng khi nghe được câu chuyện, ai nấy đều xúc động và chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khánh Hòa Ngô Mậu Chiến chia sẻ cùng anh em tâm tình của một người lính. Ông xúc động nhắc về những câu chuyện Trường Sa, những kỷ niệm trong các đợt công tác ra quần đảo Trường Sa và bày tỏ tin tưởng rằng những cựu chiến binh Trường Sa sẽ luôn giữ được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình hiện nay, sẽ mãi là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo về ý chí, nghị lực và niềm tin trong công cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nhiều gian khổ và hy sinh.
Thương binh Nguyễn Văn Dũng ân cần thăm hỏi gia đình liệt sĩ Trường Sa.
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng, chỉ huy trưởng cụm 2 Sinh Tồn, Trường Sa xúc động nói: Ngày 14-3-1988 trùng với ngày 27 tháng Giêng năm Mậu Thìn. Cho nên, ngày 27 tháng Giêng hàng năm là ngày giỗ của 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Ông đưa tôi xem một bức ảnh đen trắng đã cũ lắm và giải thích: đây là ảnh ông cùng tổ công tác lên cắm cờ trên đảo Len đao lúc 4 giờ chiều ngày 22-4-1988, trước sự áp sát, đe dọa của kẻ thù xâm lược. Đoạn, ông cất giọng đọc mấy câu thơ:
" ... Hôm nay gặp mặt nhau đây
Mà lòng ước hẹn tháng ngày một, hai
Cùng nhau đến viếng tượng đài
"Vòng tròn bất tử" những ai sống, còn
Đôi lời nhắn gửi cháu con
Trường Sa mãi mãi khắc tròn con tim..."
Trong không khí xúc động ấy, một cựu chiến binh Trường Sa đọc Thư chúc mừng Chương trình nghệ thuật Xuân Trường Sa 2017, đề ngày 16-1-2017, của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Thư có đoạn viết: "Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông còn diễn ra gay gắt, chúng ta cần phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của đất nước, của khối đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo về vững chắc biên giới và chủ quyền biển đảo, vùng trời của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước"...
Tại buổi gặp gỡ này, anh em cựu chiến binh Trường Sa mời về dự và tặng quà sáu gia đình liệt sĩ Trường Sa. Chị Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, ở phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh xúc động nói: "Chắc nhà tôi cũng ấm lòng khi đồng đội, anh em luôn nhớ tới mình. Bản thân tôi sẽ cố gắng...", chị nghẹn ngào dừng lại.
Chiếc bè nhỏ có cả hương khói, hoa quả cùng mâm cơm nhỏ tưởng dâng anh linh những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, chủ quyền của Tổ quốc đã được chuẩn bị tươm tất. Ngan ngát hương trầm. Dào dạt hoa đăng. Và vô vàn những cánh hoa nhỏ nhắn được chuẩn bị sẵn để cùng hòa mình vào biển mẹ, như muôn vạn tấc lòng ghi ơn sâu nặng của các thế hệ hôm nay gửi tới những người đã ngã xuống vì sự bình yên, trường tồn của núi sông, bờ cõi.
Tiếng quốc ca hòa cùng tiếng biển.
Rồi giai điệu "Hồn tử sĩ" trỗi lên, dìu dặt. Bè hoa đăng dập duềnh trôi trên sóng nước. Lung linh... Xa dần...
Tôi thấy có vài người lính lặng lẽ rút khăn tay.
PHONG NGUYÊN/NDO

*    *    *

Bùi Văn Bồng

TIẾNG NÓI VIỆT NAM
Ở TRƯỜNG SA

Đây là Tiếng nói Việt Nam…”
Biết mấy tự hào âm thanh ấy
Nắng Trường Sa, gió cát Trường Sa
Nỗi nhớ quê nhà xôn xao sóng vỗ

Loa phóng thanh trên cành phong ba
Đài bán dẫn đặt bên công sự
Bình yên đảo xa chiều lộng gió
Lính trẻ quây quần nghe Tiếng nói Việt Nam...

Ôi! Tiếng của quê hương, Tổ quốc
Bốn ngàn năm vang đến cõi bờ xa
Tiếng gươm giáo thuở nào đi giữ nước
Tiếng gió đồng dào dạt khúc dân ca

Nghe xạc xào bờ lau bãi sậy
Tiếng võng trưa kẽo kẹt dưới tre làng
Tiếng thoi đưa nhịp nhàng trong xưởng máy
Tiếng trống trường mỗi sáng mặt trời lên

Nghe tha thiết tiếng suối rừng cuộn chảy
Sáo diều ru mướt gió chiều hè
Tiếng ve ngân dìu dặt hàng me
Nhịp hò khoan xóm chài trăng bát ngát…

Nơi Trường Sa đêm ngày sóng hát
Cứ ngân vang Tiếng nói Việt Nam
Thao thức đồng quê mùa gieo hạt
Cành san hô đảo đá bỗng xanh mầm

Thiêng liêng tiếng quê hương, Tổ quốc
Hải đảo thân yêu như ngõ xóm đường làng
Mỗi buổi sáng lại vang lên thân thuộc
“Đây là Tiếng nói Việt Nam…”
                                            B.V.B

3 nhận xét:

  1. Cho cháu hỏi , có phải bác Bồng là người đang cầm Mic trong ảnh phải không ạ .

    Lam My - Hoàn kiếm hà nội

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ “ Tiếng nói Việt Nam ở Trường sa “ là bài thơ hay , hào sảng và gần gũi . Được Vương Hà thể hiện một cách thành công và sáng tạo .

    Nghệ sỹ Vương Hà có giọng ngâm trong trẻo , sâu , ấm và thiết tha . Nghắt - Nghỉ - Ngân - Ngâm rõ ràng , đẹp như giọng ngâm Trần Thị Tuyết ngày nào , dù Tuồng , Cải lương mới là “ Tủ “ của chị .
    Chỉ đôi chút thắc mắc ở một số đoạn , Nghệ sỹ Vương Hà ngâm hơi khác với bản gốc . Không hiểu do …….Khó ngâm hay là vì “ Cái điệu ngâm “ nó phải thế , dẫu sao tôi vẫn thích bản gốc hơn .
    Xin cảm ơn các nghệ sỹ đã cống hiến cho đời những vần thơ đẹp . Đó là nhà thơ Bùi Văn Bồng ( Sáng tác ) .Nghệ sỹ Vương Hà ( Diễn ngâm ) . Nhà báo Mai Văn Lạng ( soạn giả và thực hiện Clips ) .

    Đoạn cuối bài viết của tác giả Phong Nguyên ( báo Nhân Dân Oline ) hơi “ Sáo “ : “ Tôi thấy có vài người lính lặng lẽ rút khăn tay.” – Thời @ này mấy ai khăn tay đút túi đâu ( hơi bị quê ) – Trừ khi ở nhà hàng .
    Ví dụ chỉ viết : “ Tôi thấy những dòng lệ nhòe trên khóe mắt những người lính …….” , hoặc “ Tôi thấy mấy người lính lặng lẽ quay đi dường như để dấu những giọt nước mắt ……” Cũng đủ “ Sâu “ rồi , cần gì phải khăn tay .

    ĐGCĐ

    Trả lờiXóa
  3. Thương quá những người lính đã hy sinh vì non nước này, không mảy mayđược công khai kỉ niệm vinh danh, đã vậy ai đó còn ra rả kể công ơn sâu nặng họ cho vũ khí để hai anh em bắn lẫn nhau gây thù chuốc oán cho nhau và công khai 16 CHỮ VÀNG còn 4tốt nữa chứ rõ không biết nhục .NGƯỜI ĐỌC.

    Trả lờiXóa